Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868)
Nguyễn Trung Trực sinh năm Mậu Tuất (1838) tại thông Bình Nhựt, tổng Cửu Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình nhiều đời sinh sống bằng nghề chài lưới. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, tự là Chơn. Do tính tình ngay thật và cũng từ tên Chơn ấy mà thầy dạy học đã đặt tên hiệu cho ông là Nguyễn Trung Trực. Năm 1861, Nguyễn Trung Trực (khi ấy 23 tuổi) đã tham gia lực lượng nghĩa quân chống Pháp. Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, Nguyễn Trung Trực (lúc bấy giờ giữ chức Quyền sung quản binh đạo nên gọi là Quản lịch) đứng đầu toán chống Pháp vùng Tân An dưới sự chỉ huy chung của Trương Định. Lúc này giặc Pháp đã chiếm cả Mỹ Tho. Chúng dùng những tàu chiến vừa làm phương tiện tuần tra, vừa làm đồn nổi di động nơi các sông rạch trong vùng. Trên sông Vàm Cỏ Đông, giặc Pháp thả ba chiếc tiểu hạm. Trong đó, chiếc L’Espérance án ngữ Vàm Nhựt Tảo như một đồn lưu động để kiểm soát trục giao thông đường thủy này. Trên bờ, giặc bố trí một đội lính mã tà đóng tại chợ Nhựt Tảo.
Nắm được tình hình, quy luật hành quân của địch Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy nghĩa quân phối hợp cùng nhân dân địa phương dùng mưu kế, tổ chức tấn công tiêu diệt số lính Pháp đóng trên tàu và bọn lính tay sai đóng trên bờ nơi cửa vàm, thiêu hủy toàn bộ chiếc tàu vào giữa trưa ngày 10/12/1861.
Ngọn lửa chiến thắng từ Vàm Nhựt Tảo đã làm bừng lên một sinh khí mới mẻ trong hàng ngũ nghĩa quân. Chỉ trong vòng một năm, ba chiếc tiểu hạm của Pháp hoạt động trên sông Vàm Cỏ Đông đã bị nghĩa quân tấn công dữ dội bằng nhiều cách khác nhau.
Sau khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay giặc, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân rút về hoạt động ở các tỉnh miền Tây. Đầu năm 1867, ông ra Bình Định nhận chức Lãnh binh, đến giữa năm 1867 lại về Hà Tiên giữ chức Thành thủ úy. Đêm 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh chiếm đồn Rạch Giá, tiêu diệt hầu hết quân Pháp trong đồn, làm chủ Rạch Giá trong 5 ngày liền. Ngày 21/6/1868, quân Pháp kéo đến tấn công. Trước lực lượng hùng hậu của địch, nghĩa quân phải rút khỏi Rạch Giá lui về Hòn Chong. Rồi từ đấy, Nguyễn Trung Trực cùng một bộ phận nghĩa quân rút về đảo Phú Quốc.
Tượng đài danh tướng Nguyễn Trung Trực
Tháng 9/1868, quân Pháp do tên tay sai Huỳnh Công Tấn dẫn đường đổ bộ lên Phú Quốc để bao vây, tiêu diệt nghĩa quân. Sau một trận giao tranh lực lượng nghĩa quân bị tổn thất đáng kể, đành phải rút sâu vào trong núi. Biết Nguyễn Trung Trực là người rất có hiếu, Pháp dùng thủ đoạn bắt giữ thân mẫu của ông và một số đồng bào trong vùng, rồi ra lệnh nếu Nguyễn Trung Trực không ra hàng sẽ đem những người này ra chém đầu. Nhận thấy việc kháng Pháp không thể kéo dài thêm nữa, vả lại cần cứu sống hàng trăm nhân mạng, Nguyễn Trung Trực cam đành giải tán nghĩa quân rồi để địch bắt.
Trong thời gian bị giam cầm, Nguyễn Trung Trực đã tỏ rõ phẩm chất trong sáng của một người yêu nước, trung thành đến cùng với Tổ quốc và nhân dân. Chính viên thanh tra bản xứ sự vụ Pôlanh Vian đã viết về ông như sau “…bị giam cầm ở ngục thất Sài Gòn, ông tỏ ra rất tự trọng và có nhiều nghị lực”. Ngày 27/10/1868, giặc Pháp chọn chỗ đất (nay là Bưu điện Rạch Giá) làm pháp trường xử tử ông. Khi ấy ông vừa tròn 30 tuổi.
Nguyên lãnh đạo và lãnh đạo tỉnh Long An dân hương tưởng niệm 152 năm ngày hy sinh của
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Người dân đến dự hoạt động tưởng niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Cuộc đời ông là một tấm gương anh hùng, đời đời sống mãi. Lòng cảm phục và thương tiếc của nhân dân ở những nơi mà ông đã từng sống, từng đi qua còn đọng đến ngày nay. Bất chấp sự cấm đoán của kẻ thù, sau khi ông mất, dân chúng đã dựng đền thờ ông tại Rạch Giá, Phú Quốc và cả nơi quê hương ông.