Miễu Ông Bần Quỳ
Hỏi thử nhà ta giống Lạc Hồng
Gần đây ai chết được như ông
Chở lương bị giặc ngăn đường nước
Đục ván cho thuyền lặn đáy sông
(Vịnh Mai Công Hương, 1872)
Ngược dòng lịch sử, năm Ất Dậu (1705), nước Cao Miên có loạn. Vua Nặc Ông Yêm bị người em là Nặc Ông Thâm viện binh Xiêm La về đánh, phải chạy sang Gia Định cầu cứu. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân đi đánh Nặc Ông Thâm ở Rạch Gầm. Mai Công Hương chỉ huy đoàn thuyền vận chuyển lương thực theo sau. Mai Công Hương tên thật là Mai Bá Hương, quê ở làng Tân Hương, Cái Quao (nay thuộc tỉnh Trà Vinh), làm Xá lại thuộc Ty Xá Sai ở dinh Phiên Trấn, nên tục gọi là Xá Hương, trông coi việc chuyên chở lương thực. Thời bấy giờ chưa đào kênh Ruột Ngựa (kênh Trà Cú hay kênh Thủ Thừa) và kênh Bảo Định nên để hành quân từ dinh Phiên Trấn đến Rạch Gầm bằng đường thủy phải đi từ sông Bình Dương vào sông Đại Phong, xuống hạ khẩu Sa Giang, qua sông Phước Lộc, lên sông Bao Ngược đến Vàm Kỳ Hôn rồi qua sông lớn Mỹ Tho. Đoàn thuyền lương của Mai Công Hương đến Vàm Bao Ngược, tức khoảng hợp lưu của sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây thì bị giặc chặn đánh. Quân ít, liệu bề khó chống giữ, ông lệnh đục chìm thuyền và tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc.
Quân Mên triệt ngã Bần Quỳ,
Mai công liệu thế hiểm nguy nhãn tiền!
Truyền quân lập tức đục thuyền
Mình cùng lương phạn xuống miền Tiêu Tương
(Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca)
Người dân thắp hương tưởng nhớ Xá Sai Ty Mai Công Hương (khi ngôi miễu chưa được xây dựng lại)
Nhiều giai thoại được lưu truyền mà qua đó, gạt bỏ yếu tố hoang đường, người ta thấy hiển hiện lòng kính ngưỡng sâu sắc của nhân dân dành cho ông. Tương truyền sau khi ông tuẫn tiết, những cây bần ở khu vực này đều quỳ xuống như cảm kích trước hành động của ông mà không cần quan tâm đến sự thật là do những luồng nước xoáy và gió ở khu vực hợp lưu 2 con sông lớn làm cho bần bị trốc gốc và nghiêng ngã. Cái tên Miễu Ông Bần Quỳ đầy tôn kính ra đời là vì vậy và cũng đi vào lòng dân gian một cách tự nhiên mà tưởng chừng như không hề có cái tên Xá Hương Từ trước đó. Người ta còn truyền rằng, ông thường hiển linh và mỗi lần như vậy, ngã ba Bần Quỳ nổi lên những đợt sóng thần. Đến khi không thấy sóng thần xuất hiện nữa thì dân gian cho rằng do văn chương chân thành mãnh liệt của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản khi đi thuyền ngang qua đây nghe câu chuyện hiển linh đã ghé vào miễu thắp hương và đề câu đối đã làm xoa dịu nỗi căm hờn của bậc trung liệt năm xưa:
Dân gian không hề quan tâm đến nguyên nhân là do sự cộng hưởng của gió và dòng chảy nơi hợp lưu 2 con sông lớn. Thực tế ngày 23-11-2014 vừa qua, tại đây lại nổi sóng lớn đã cuốn một anh công nhân đang trông coi công trình xây dựng lại Miễu Ông Bần Quỳ. May mắn anh thoát nạn vì níu được một nhánh bần ở trước miễu. Hai câu đối ấy nay vẫn còn ghi ở 2 bên cửa miễu, bên trong bàn thờ chính là “Vị quốc tử nghĩa thần” và phía trên là “Hạo khí trung liệt”. Người ta còn lý giải rằng, dòng họ Mai Bá ở đây là những người lính trong đoàn vận lương của ông khi xưa còn sống sót đã ở lại lập làng vì mến nghĩa ông mà lấy họ Mai làm họ cho mình.
Kỷ niệm 310 năm ngày Mai Công Hương tuẫn tiết, Miễu Ông Bần Quỳ được xây dựng mới vì ngôi miễu cũ đã xuống cấp và có nguy cơ bị sụp lở do nước làm xói mòn. Miễu Ông Bần Quỳ là một trong những ngôi miễu cổ xưa nhất ở Long An và Nam bộ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao lần trùng tu, xây dựng lại và di dời do dòng nước xâm thực, do đạo pháo chiến tranh, Miễu Ông Bần Quỳ gắn với tấm gương trung liệt của Mai Công Hương vẫn trường tồn cho đến ngày nay. Phải chăng đây là sự khởi đầu của đôi dòng Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây oai hùng, bất tử?!
Về thăm lại xã Nhựt Ninh anh hùng - quê hương của Đám lá tối trời lừng danh trong thời bom đạn, nhìn những cánh đồng lúa trải dài, chứng kiến bao sự đổi thay mà miên man suy tưởng, phải chăng nó được khơi nguồn từ quá khứ bi tráng mà hào hùng của lớp cha ông từ những ngày đầu đi mở đất phương Nam