Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao và cần cần có nguồn kinh phí đủ đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục, thể thao

27/11/2017 03:41:39PM
Màu chữ Cỡ chữ
Dưới sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Có 22 đại biểu phát biểu, tập trung vào một số nội dung sau: phạm vi sửa đổi, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật; Chính sách phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thể thao thành tích cao, quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường gắn với giáo dục toàn diện; Đặt cược thể thao; kinh doanh hoạt động thể thao; nguồn lực phát triển thể dục, thể thao; Ủy ban Olympic và tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao; quyền và trách nhiệm của người dân trong phát triển thể dục thể thao; Hợp tác quốc tế trong hoạt động thể dục, thể thao…
BT Bo VHTT-DL.jpg 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp thu ý kiến và giải trình
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao được xây dựng trên cơ sở khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thể dục, thể thao năm 2006 sau hơn 10 năm triển khai thực hiện và bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển trong thời gian tới.
 

Liên quan đến giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường: đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định: thể dục, thể thao có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của cơ thể con người cũng như trong quá trình tập luyện, thi đấu, có thể phát hiện thêm những nhân tài tiềm ẩn cống hiến cho thể thao nước nhà. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tính khả thi của quy định này, vì đối với những trường hợp ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn điều kiện rất khó khăn về nguồn lực và kinh phí. Hiện nay còn rất nhiều trường thầy cô giáo phải dạy kiêm nhiệm mà chưa có thầy cô chuyên môn về lĩnh vực thể dục, thể thao thì việc tổ chức thi đấu cũng rất khó khăn.

Về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao: đề nghị nghiên cứu bổ sung: đối tượng là vận động viên đội tuyển cấp tỉnh cũng được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 32 của luật này; bổ sung những chính sách ưu đãi hơn đối với vận động viên là người khuyết tật (theo quy định hiện hành thì huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các đại hội giải thể thao dành cho người khuyết tật trên thế giới, Châu Á, Đông Nam Á, được hưởng mức thưởng bằng 50% so với vận động viên bình thường), quy định như trên còn phân biệt đối xử, chưa đảm bảo tính công bằng, chưa khuyến khích được những đối tượng này tham gia vào phong trào thể thao và cống hiến cho thể thao nước nhà.

Liên quan đến huấn luyện viên, vận động viên nữ trong thể thao đạt thành tích cao: đại biểu đề nghị ngoài những chính sách chung cho vận động viên, dự thảo luật cần lồng ghép thể hiện rõ tính bình đẳng giới trong thể thao. Không chỉ bình đẳng về mức chi trả lương, tiền thưởng mà cần thêm chế độ phụ cấp, trợ cấp trong quá trình tập luyện, thi đấu, hay là những chính sách ưu tiên bồi dưỡng huấn luyện nâng cao ở nước ngoài v.v... đối với những vận động viên, huấn luyện viên là nữ. Đồng thời, bổ sung những loại hình thể thao mới đang du nhập và phát triển mạnh ở nước ta những loại hình thể thao mạo hiểm như lướt ván, leo núi, nhảy dù. Mô hình liên quan đến du lịch thể thao được nêu trong khoản 3 Điều 54, 55 của Luật Du lịch.

Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) bổ sung: thực tế thời gian qua, các vận động viên thành tích cao nhất là vận động viên nữ mang về nhiều thành tích cao nhưng chế độ đãi ngộ quan tâm của xã hội chưa tương xứng với những  cống hiến của họ cho nền thể thao nước nhà. Do đó, đề nghị có chế độ đãi ngộ hợp lý để họ có nghề nghiệp sau khi giải nghệ.

Về kinh phí đầu tư cho thể dục, thể thao: đại biểu Lưu Thành Công (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng kinh phí đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao hiện nay rất ít. Qua khảo sát cho thấy những địa phương nào  có điều kiện thì chi bình quân khoảng 6.000 đồng/1 người/1 năm, những nơi khác từ 4.000 đến 5.000. Chi hoạt động thường xuyên tại các quận huyện, thành phố trực thuộc tỉnh thì nơi có điều kiện là khoảng 1,5 tỷ/1 năm, những nơi khác chỉ được 1 tỷ đồng/1 năm. Kinh phí xã hội hóa chưa nhiều trừ thể thao chuyên nghiệp chúng ta vận động khá hơn. Xác định vai trò quan trọng của thể dục, thể thao trong việc phòng ngừa khắc phục bệnh tật nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam. Đề nghị cần có nguồn kinh phí đủ đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục, thể thao, nguồn kinh phí này dược quy định cụ thể trong luật tương tự như giáo dục, đào tạo là 20%, khoa học, công nghệ 22% trên tổng thu ngân sách.

Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Chương II, mục 2 giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường về phổ cập bơi cho trẻ em Việt Nam trong độ tuổi tiểu học bằng những phương tiện hiện có và phù hợp với điều kiện địa lý của từng vùng miền để hình thành kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em Việt Nam, giúp các em thích ứng với điều kiện tự nhiên là một yêu cầu bức xúc và là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp thu ý kiến, giải trình các vấn đề mà các đại bểu Quốc hội quan tâm và sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ xem xét trên nguyên tắc thận trọng, phù hợp với khả năng quản lý điều hành giám sát của nhà nước./.

Kim Hoa

 

 

Kim Hoa
Liên kết website