NIỀM TIN THEO ĐẢNG

13/02/2023 05:07:39PM
Màu chữ Cỡ chữ
(ĐCSVN) – Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2023), chúng ta có dịp ôn lại những chặng đường vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Lịch sử vẻ vang ấy càng khẳng định và bồi đắp niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng ta và Nhân dân ta lựa chọn.

Mùa xuân Canh Ngọ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đúng vào ngày 03-02, một thời khắc tươi đẹp của đất trời mùa xuân, mở ra một con đường đúng đắn giải phóng dân tộc và đất nước thoát khỏi ách áp bức bóc lột.

 Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023)

 

Sự kiện ngày 05/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước ghi nhận bước ngoặt lớn trong cách nhìn nhận, đánh giá về con đường cứu nước mới. Trước đó đã có nhiều người yêu nước từ những giai tầng khác nhau không ngại gian khổ hiểm nguy để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam khỏi lầm than áp bức. Lòng yêu nước của họ là có thừa nhưng vẫn bế tắc “như không có đường ra”, “một trăm lần thất bại chưa một lần thành công”.

Chỉ có đến Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn. Trải qua quá trình bôn ba, gian khổ đầy chông gai đã le lói trong những màn sương mù của Luân Đôn, Pa-ri, Matcơva… tìm ra đường cứu nước (1911 - 1920), và như một định mệnh, cuộc gặp gỡ của lịch sử tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Humanite (Nhân đạo) số ra ngày 16 - 17/7/1920. Nói về sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. [1]

Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành việc đảng này gia nhập Quốc tế Cộng sản. Hai sự kiện này, chứng tỏ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy và lựa chọn dứt khoát con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, con đường giải phóng dân tộc phải theo Cách mạng Tháng Mười Nga (cách mạng vô sản).

Khi đã tìm ra con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của Đảng. Trong giai đoạn 1921 - 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

Cuối năm 1929 đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có một quyết định có tính bước ngoặt: chuẩn bị (dự thảo các văn kiện, chọn thời gian, địa điểm, gửi thư triệu tập đại biểu các tổ chức cộng sản...) và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Từ ngày 03 -07/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trải qua 93 mùa xuân có Đảng, người dân đất Việt luôn khắc ghi một niềm tin với Đảng, bởi trong muôn vàn khó khăn, gian khổ giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, có thể nói tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta luôn tìm cách vượt qua và giành thắng lợi. Đảng ta sớm nhìn xa trông rộng, nắm và vận dụng một cách khoa học Chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” xây dựng lực lượng từ không đến có, lấy ít địch nhiều… vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đánh bại các thế lực đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, giành độc lập dân tộc cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết “Một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.[2] và khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, văn minh; là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no; Công ơn Đảng thật là to, Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.[3] 

Khi cả nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn mới mẻ, đối diện với những thách thức không những ở trong nước mà cả khu vực và thế giới. Trong những khó khăn, thách thức ấy bản lĩnh kiên cường, sáng tạo tiếp tục được thể hiện, dám nghĩ, dám nhìn thẳng vào sự thật quyết tâm đổi mới đất nước. Trong đó trước hết đổi mới trong Đảng, Đại hội lần thứ VI của Đảng 1986 đã nêu 4 nội dung cần đổi mới: “Đảng phải đổi mới nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”.[4] 

Qua hơn 36 năm, công cuộc đổi mới đất nước đã đưa dân tộc vượt qua thử thách hiểm nghèo, phá bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng đối ngoại củng cố an ninh quốc phòng. Sức mạnh tổng hợp quốc gia -dân tộc, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng lên tầm cao mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là cả kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.[5] .

Có được những thành tựu to lớn như vậy, một nguyên nhân quan trọng quyết định chính là Đảng ta luôn quan tâm đến tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng từ sớm, làm cho “cơ thể” của Đảng luôn khỏe mạnh có sức đề kháng cao, gánh vác những nhiệm vụ của đất nước. Điều đó được thể hiện là sau hai năm giành chính quyền, tháng 10 năm 1947, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, lần đầu tiên Người dùng từ “chỉnh đốn Đảng” và cho đến khi về với “thế giới Người hiền”, Người vẫn luôn đau đáu dành sự quan tâm cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm sao cho Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là đạo đức, văn minh. Trong Di chúc của Người có đoạn văn chỉ có 57 từ nhưng Người đã dùng đến 4 chữ thật: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. [6] 

Lời căn dặn của Người đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự, Đảng ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hoàn cảnh mới. Trong các Đại hội Đảng gần đây như: Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII “về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”, đặc biệt tại Đại hội XI, Đại hội XII và Đại hội XIII đều dành riêng một nghị quyết lấy tên là Nghị quyết Trung ương 4 nói về xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Nếu như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI mới chỉ tập trung bàn và ra nghị quyết “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” thì đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã có sự bổ sung đổi mới rất căn bản về phạm vi nội dung bao gồm toàn bộ các vấn đề “về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa trong nội bộ”. Đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, Đảng nhấn mạnh “tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện”, đây tiếp tục là sự khẳng định vai trò to lớn của nhiệm vụ xây dựng Đảng.

Và số 4 tên của các Nghị quyết như một lời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp luôn tiên phong, gương mẫu, tự giác, tự soi tự sửa, tự phê bình bản thân mình, gia đình mình, đơn vị mình; khắc phục sửa chữa những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm để hoàn thiện bản thân xứng đáng với danh hiệu “đầy tớ của nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quí nhất của con người” để phấn đấu rèn luyện chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Năm 2022 đã qua, nhìn lại một năm công tác xây dựng Đảng cho thấy Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tích cực tập trung “luật hóa” đường lối chủ trương của Đảng ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó phải kể đến Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quán triệt, cụ thể hóa toàn bộ những nội dung cốt lõi, những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, như vấn đề: Quản lý và sử dụng đất đai; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phát triển kinh tế tập thể; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên;

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là những vấn đề thiết thực đối với người dân, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị.

Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã được Hội nghị Trung ương 5 thống nhất rất cao, trong đó chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng được sửa đổi, bổ sung, với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức và phạm vi hoạt động, bao gồm cả “tiêu cực”. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt những kết quả bước đầu.

Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, khoa học, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng rõ; thực sự là "tổng chỉ huy", là “nhạc trưởng” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngày 02/6/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký Quy định số 67 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2022, phát hiện, đấu tranh và xử lý một số vụ án lớn nghiêm trọng (vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, AIC và Vạn Thịnh Phát...). Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khách quan, thống nhất cao, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Hay như Quy định 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm với nhiều điểm mới đáng chú ý như: Thêm Điều 30 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền; nhiều điểm mới trong kỷ luật các vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ…Đi cùng đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và thông báo số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Việc ban hành những quy định này là bước tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, thể hiện tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ trong việc xử lý những cán bộ sai phạm, tha hóa, biến chất, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín, theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Đây được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, không chỉ trong Đảng mà cả hệ thống chính trị ở nước ta. Tự nguyện từ chức là điều rất khó khăn bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau trong đó có uy tín danh dự. Lên được đến chức này, chức kia là một quá trình, nay chỉ vì khuyết điểm lại bảo tự nguyện từ chức đi thì quả là khó?

Với thông báo Kết luận trên cán bộ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức là rất nhân văn giảm áp lực của các hình thức kỷ luật mở ra cánh cửa rộng hơn, nhân văn hơn trong xử lý cán bộ bị kỷ luật.

Thực tế cũng cho thấy có những cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật hy vọng có một lối thoát nhân văn hơn (rút lui trong danh dự) sẵn sàng nộp lại các khoản tham ô, hối lộ trước đó. Lúc này họ không còn do dự khi mất đi các chức vụ đương có để đổi lấy nghỉ việc, về hưu trong danh dự.

Cơ chế khuyến khích cán bộ vi phạm pháp luật tự nguyện xin từ chức đã được tạo ra và trên thực tế đã phát huy tác dụng. Thể hiện vừa qua đã có lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý xin thôi giữ các chức vụ.

Với cơ chế này nếu những cán bộ vi phạm kỷ luật khiển trách, cảnh cáo năng lực hạn chế, uy tín giảm sút không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Có thể nói xây dựng chỉnh đốn Đảng là hai mặt của vấn đề trong một cơ thể sống của Đảng, là nội dung quan trọng quyết định, luôn được Đảng ta quan tâm hàng đầu với những quy định ngày càng đầy đủ và chặt chẽ. Đồng thời, bên cạnh sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng là những giá trị nhân văn, “Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh” nhằm bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ phát huy sáng tạo, miệng nói tay làm, dám chịu trách nhiệm. Bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực, bảo vệ người dũng cảm đi đầu, bảo vệ bằng sự công tâm vì sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của dân tộc.

Một mùa xuân mới Quý Mão 2023 đã về trên đất nước ta với biết bao hẹn ước tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta. Với bản lĩnh chính trị được thử thách rèn luyện qua 93 mùa xuân, với sức sáng tạo luôn tươi mới như “chồi non, lộc biếc”, chúng ta có niềm tin mãnh liệt là Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Tin Đảng, theo Đảng, nhất định chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.12, tr.562.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.7, tr 25.

[3] HCM: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.12, tr 403

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, H, 1987, tr 124.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H, 2021, tr 332.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, t15, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H 2011, tr 622

TS Nguyễn Văn Minh – Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liên kết website